THÉP CHÍNH ĐẠI – THÀNH DANH THÉP
Sản Xuất và Kinh Doanh Thép Cán Nguội, Thép Cuộn Mạ, Ống Hộp, Thép Hình & Xà Gồ

Telephone: (+84) 221 398 9568
Email: sales@chinhdaisteel.com

GIÁ THÉP NĂM 2021 CÓ THỂ ĐẢO CHIỀU

Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đã nhận định trong báo cáo mới đây về triển vọng ngành thép năm 2021: “Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường”. 

1. Giá thép 2020 tăng mạnh do nguồn cung gián đoạn 

2020 là một năm nhiều thăng trầm của ngành thép. Những tháng đầu năm, thị trường thép trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Sản xuất gián đoạn, việc vận chuyển cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, ngành thép đã có sự phục hồi đáng khích lệ trong nửa sau năm 2020. 

Cụ thể trong 04 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng và thép dẹt thành phẩm trong nước (bao gồm cả tôn mạ và thép ống) giảm lần lượt -12% và -5%. Lý do cho sự sụt giảm này là do dịch Covid bùng phát tại Việt Nam với hàng loạt các ca bệnh mới, cùng lệnh giãn cách xã hội khiến hoạt động xây dựng chững lại. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát từ tháng 5/2020, sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng và thép dẹt thành phẩm dần khôi phục và có sự tăng trưởng tích cực. Mức tăng trưởng trong năm 2020 của hai mặt hàng này lần lượt là 1% và 7% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng đáng mừng này là nhờ nhu cầu ổn định từ kênh dân dụng; việc đẩy nhanh đầu tư công, với tổng giá trị trong 11 tháng đầu năm 2020 tăng 34% so với cùng kỳ. Ngoài ra, với xu hướng tăng của giá thép, nhiều nhà phân phối tăng cường tích trữ hàng tồn kho.

2. Xuất khẩu 2020 đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ

Theo báo cáo của SSI Research, nhờ nhu cầu thế giới phục hồi cùng với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, xuất khẩu phục hồi và đạt mức tăng trưởng mạnh từ quý 2/2020. Trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thép tăng 48% so với cùng kỳ (theo Tổng cục Hải quan).

Lý giải cho việc này có một số nguyên nhân như sau. Thứ nhất là do việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, để bảo vệ tăng trưởng GDP trong bối cảnh khu vực tư nhân chững lại. Lý do thứ 2 là do ngành ô tô phục hồi, do dịch Covid-19 khuyến khích khách hàng chuyển từ phương tiện giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân. Ngoài ra, mảng sản xuất dần ổn định trong nửa cuối năm 2020 cũng là lý do quan trọng dẫn đến sự tăng trưởng trong xuất khẩu. 

Nguồn cung bị gián đoạn cũng khiến xuất khẩu thép của Việt Nam được lợi nhiều hơn. Trong khi lượng sản xuất của các thị trường thép lớn như EU, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt giảm -15%, -18%, -12%, -17% và -7% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2020 thì thị trường thép Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong sản xuất.

Nhu cầu thế giới phục hồi trong nửa cuối năm và nguồn cung cả thép và nguyên liệu thô bị gián đoạn khiến giá thép tăng rất nhiều trong nửa cuối năm. Giá thép xây dựng trong nước tăng lần lượt 25% so với đầu năm 2020 và 36% so với mức thấp trong tháng 4. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng tăng 43% so với đầu năm và tăng 80% so với mức đáy.

Xu hướng tăng của giá thép trong nửa cuối năm là do nhu cầu tăng mạnh cùng với việc cắt giảm công suất ở Trung Quốc. Ngoài ra, giá thép tăng cũng do nhu cầu dồn nén từ các thị trường khác và giá quặng sắt tăng do sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là ở Brazil do dịch Covid -19.

3. Giá thép năm 2021 có thể đảo chiều 

SSI Research cho rằng tăng trưởng nhu cầu thép trong nước năm 2021 dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.

Dù nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực nhưng dự kiến áp lực cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Với sự phục hồi của các thị trường phát triển, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020. Nhu cầu của thị trường mới nổi dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021; ngoại trừ Trung Quốc nhu cầu sẽ đi ngang. Điều này sẽ giữ mức tăng trưởng xuất khẩu thép của Việt Nam ở mức 01 con số, dù áp lực cạnh tranh chắc chắn sẽ gay gắt hơn. 

Cũng theo SSI Research, giá thép vẫn có xu hướng tăng và sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá thép sẽ có khả năng đảo chiều. Cụ thể, sau khi giữ vững phong độ trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung, giá thép sẽ đạt đỉnh khi nguồn cung dần ổn định. Sau đó, giá thép sẽ không tăng nữa khiến tỷ suất lợi nhuận trở về mức bình thường. 

4. Những rủi ro trong thời gian tới có tác động mạnh tới giá thép

Vẫn có nhiều rủi ro trong thời gian tới có thể ảnh hưởng lớn tới giá thép. Lý do đầu tiên là do giá các nguyên liệu sản xuất thép chính như quặng sắt, phế liệu và HRC đều tăng. Mức tăng lên tới 40-90% so với đầu năm, trong đó mức tăng từ 30% -35% chỉ diễn ra ở hai tháng cuối năm. 

Hiện tại các công ty sản xuất đều đang sử dụng hàng tồn kho nên chi phí nguyên liệu cao sẽ chỉ được phản ánh vào những tháng tới. Điều này sẽ gây áp lực lên các công ty thép, đặc biệt là những công ty nhỏ, thị phần thấp. Ngoài ra, do nguồn cung trên toàn cầu dự kiến sẽ ổn định vào năm 2021, giá thép có thể chịu sự điều chỉnh lớn trong năm 2021 và ảnh hưởng không mấy tích cực đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép.

Nguồn: VN Economy

NHẬN BÁO GIÁ NGAY BÂY GIỜ

Nhận báo giá

Liên lạc ngay với chúng tôi để nhận tư vấn chi tiết về sản phẩm

Thông tin liên hệ

Email
sales@chinhdaisteel.com

Hotline
(+84) 221 3989568 – 3989527

Fax
(+84) 321 3989526 – 3989525